Uống vang Mỹ với Đại sứ Marine tại Hà Nội

02/04/2022

Vào một ngày trung tuần tháng 9, nhà báo Sỹ Cứ, Tổng biên tập tờ Diễn đàn Doanh nghiệp có mời tôi đi dự một buổi giới thiệu sản phẩm vang California ở đường Âu Cơ quận Tây Hồ. Đó là một nhà hàng nhỏ và khiêm nhường như những quán ẩm thực khác vẫn mọc nhan nhản ở Hà Nội. Không khí buổi tối hôm đó không có gì đặc biệt ngoài sự xuất hiện của một vài doanh nhân người Mỹ. Họ sang Việt Namđể giới thiệu một sản phẩm mới nổi của bang California, rượu vang, thứ vang được làm bằng nho Cali, một bang nằm ở miền Nam nước Mỹ quanh năm nắng ấm. Đó cũng là bang có Little Saigon, nơi đông đảo người Việt định cư.

 

Mở đầu buổi tiệc, ông Donald Berger đại diện cho Vine Group, doanh nghiệp đang kinh doanh rượu vang Mỹ giới thiệu về sản phẩm của họ. Theo ông này, các giống nho làm rượu được trồng ở hầu hết các vùng của Cali, có 46 quận trong tổng số 58 quận trồng nho với tổng diện tích lên đến 214.000 hecta. Quả là con số khá ấn tượng. Nếu như ở Thanh Hóa, tỉnh nổi tiếng với vùng nguyên liệu mía cung cấp cho nhà máy đường Lam Sơn thì diện tích cũng chỉ có 18.000 hecta. Con số này lớn hơn một chút số lẻ của vùng trồng nho bang Cali.

Ông Donald Berger còn cho biết thêm, hiện bang California dẫn đầu về sản xuất rượu vang tại Hoa Kỳ, chiếm hơn 90% tổng sản lượng của nước này. Tuy chỉ là một bang, nhưng sản lượng vang của Cali đứng thứ tư trên thế giới, khoảng 200 triệu thùng, chỉ đứng sau 3 quốc gia Pháp, Italia và Tây Ban Nha.

Trong khi ông Donald Berger giới thiệu về các loại vang Cali thì đại sứ Marine lặng lẽ xuất hiện. Không ồn ào, không tiền hô hậu ủng. Cũng như những thực khách khác ông đến bàn tiệc cầm một ly vang, đi vòng quanh nâng ly với thực khách, mặc cho cánh phóng viên tranh thủ cơ hội bấm máy. Khi cụng ly với tôi, biết tôi là nhà báo, ông hỏi tôi về cảm giác với vang Mỹ thế nào? Tôi trả lời, tuyệt! Trong câu chuyện, ông nói nhiều về cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Mỹ với Việt Nam. Ông cũng tỏ ý hy vọng người Việt Nam sau khi biết đến vang Mỹ sẽ có thêm sự lựa chọn ẩm thực.

Đang trao đổi dang dở, người dẫn chương trình giới thiệu ngài đại sứ phát biểu. Với cách mở đầu thân thiện, chân thành, sau nghi lễ chào hỏi ông nói: “Các bạn có thể tự hào về những gì mình đã làm được. Chỉ trong một thập niên vừa qua, các bạn đã đưa thành phố này từ chỗ ở đó khó có thể tìm thấy các loại ẩm thực nước ngoài hoặc các khách sạn cao cấp đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của cả khách du lịch và các nhà kinh doanh quốc tế.”

Sau khi dành những lời lẽ tốt đẹp cho Việt Nam và lòng biết ơn với thực khách cho một sản phẩm của Mỹ, ông giới thiệu về sản phẩm của những người nông dân Cali: “Năm năm trước đây, thậm chí ngay trong nước Mỹ, rượu vang của chúng tôi còn chưa được biết tới nhiều hay đánh giá cao, tuy nhiên, nhờ có sự áp dụng các công nghệ tiên tiến ở những vùng trồng nho nổi tiếng nhất, không còn nghi ngờ gì nữa, ngày nay rượu vang Mỹ đã trở thành một trong những loại rượu vang dẫn đầu thế giới. Cùng với sự đa dạng về khí hậu tại các vùng trồng nho và sự đa dạng về chủng loại và kích cỡ của các loại nho, ngành công nghiệp rượu vang của Mỹ có thể đáp ứng được yêu cầu của các bạn cả về mặt chất lượng cũng như các chủng loại rượu.”

Một anh bạn đồng nghiệp ghé vào tai tôi nói nhỏ: Thật khó hình dung ông Marine là một đại sứ, một chính khách. Ông đang là một người chào hàng có hạng!

Tôi chưa kịp bày tỏ sự tán thành với bạn đồng nghiệp thì ông Marine tiếp: Ngài Donald cũng sẽ mời một số món ăn để các bạn thưởng thức cùng với rượu của chúng tôi. Tôi xin các bạn lưu ý đặc biệt là những món ăn này được chế biến từ thịt bò và thịt lợn Mỹ. Có thể các bạn đã biết, Việt Nam vừa cho phép nhập khẩu lại tất cả các loại thịt bò Mỹ vì vậy các bạn sẽ có nhiều hơn sự lựa chọn hàng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu cho khác hàng của các bạn.”

Sau bài phát biểu ngắn gọn, ông Marine lại đi một vòng nâng ly như một thương gia đang tiếp thị sản phẩm của chính mình. Tôi đề nghị với ông chụp hình lưu niệm, ông vui vẻ nhận lời và không quên kéo ông Donald Berger vào với một ly vang trên tay.

Trong một vài dịp ra nước ngoài, tôi có ghé thăm sứ quán Việt Nam ở một số nước, khi hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam ở đó, họ không nắm rõ lắm. Hình như các nhà ngoại giao của ta quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chính trị. Thậm chí, có người còn cho rằng, họ không quan tâm đến vấn đề kinh tế.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam, ông Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó có nói: “Với việc các nền kinh tế tri thức đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt, cán bộ ngoại giao vừa phải là nhà kinh tế, vừa là nhà văn hóa…”. Việc các nhà ngoại giao của Việt Nam có thể trở thành những nhà kinh tế hay không còn phải có thời gian. Trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, ông cho rằng, không chỉ ông Marine mà với các nhà ngoại giao các nước phương Tây, họ không những là những nhà kinh tế, hơn thế họ còn là người tiếp thị sản phẩm của đất nước ra nước ngoài. Phải chăng chi tiết này giải thích phần nào sự thịnh vượng của họ hơn đất nước chúng ta?


0/5 (0 Reviews)
Chia sẻ bài viết
0969 847 685 Liên hệ Zalo Messenger
🔊
TOP